Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Con dấu siêu quyền lực: Sự khác lạ VN với thế giới

Con dấu ngày nay trở nên siêu quyền lực, dễ bị làm giả. Thủ tục liên quan đến cấp con dấu rắc rối, tốn kém. 

Việt Nam hiện là một trong 7 quốc gia còn lại trên thế giới còn giữ quy định bắt buộc sử dụng con đấu trong doanh nghiệp. Nếu tháo gỡ được, Việt Nam có thể tăng hạng từ 70 hiện nay lên 40 trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh thế giới.
Trên thế giới chỉ có 7 nước còn duy trì con dấu, trong đó có Việt Nam

Rắc rối với con dấu

"Tôi có một vị khách khốn khổ với chuyện con dấu từ nhiều năm nay. Trụ sở chính đặt ở ngay trung tâm Hà Nội, nhà máy đặt ở KCN Bắc Thăng Long. Các hoạt động giao dịch xuất nhập khẩu hàng hoá đều ở nhà máy, rất cần có con dấu thì con dấu phải để ở trụ sở chính. Thành ra, ngày nào, doanh nghiệp này cũng phải đi ô tô sang KCN để mang con dấu đóng cho các chứng từ xuất hàng, rồi lại mang về đặt ở trụ sở chính", LS. Nguyễn Hưng Quang, chủ tịch VP Luật sư NH Quang & cộng sự, kể lại. 

 
Luật Doanh nghiệp hiện hành, tại Điều 36 quy định con dấu của DN phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của DN. Chính vì điểm này, vị luật sư trên vẫn bó tay vì chưa tìm ra được giải pháp nào tiết kiệm hơn để tư vấn cho khách hàng. 

"Doanh nghiệp đó đã xin cơ quan công an cấp con dấu thứ hai, nhưng không được. DN có nói với tôi hay là cứ làm giả một con dấu khác, để ở nhà máy cho tiện hoạt động, nhưng tôi không thể đồng ý với giải pháp phá luật đó được. Bây giờ, họ vẫn đang phải đi lại như thế", LS Quang chia sẻ. 

Luật sư Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam, cũng góp chuyện: "Tôi có ông bạn trong cặp lúc nào cũng để 2 con dấu, mặc dù công ty đã đóng cửa đến 7 năm nay rồi. Ông bạn bảo để giữ làm kỷ niệm! Thử hỏi, với hàng chục nghìn doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể hiện nay, sẽ có bao nhiêu con dấu trôi nổi như vậy? Một ngày nào đó, họ đem ra đóng dấu văn bản là có chuyện rồi".

Ấy là chưa kể, không may, doanh nghiệp làm mất con dấu thì sẽ bị phạt hành chính rất nặng, rồi bị các cơ quan Nhà nước hoạnh họe nếu như con dấu bị mờ, bị nhoè... 

Những sự bất tiện trên chỉ là chuyện nhỏ. Lớn hơn nữa, con dấu thường xuyên bị lợi dụng, tranh cướp trong nhiều trường hợp nội bộ doanh nghiệp có mẫu thuẫn, gây thiệt hại kinh tế rất lớn. 

Chẳng hạn như vụ tranh chấp con dấu kéo dài hơn 1 năm tại Đại học Hùng Vương, khiến nhà trường không thể tổ chức thi và cấp bằng cho hơn 1.500 sinh viên. Vụ tranh chấp con dấu kéo dài hơn 3 năm tại Công ty CP Hữu Nghị, khi cựu Chủ tịch kiêm giám đốc công ty kiên quyết không bàn giao con dấu cho HĐQT mới sau Đại hội cổ đông hợp pháp, và vị này đã dùng con dấu nhân danh công ty ký hợp đồng kinh tế có giá trị lớn, gây thiệt hại cho công ty. 

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ, đúc kết: "Người nào nắm giữ được con dấu doanh nghiệp thì có thể làm tê liệt hoàn toàn hoạt động của doanh nghiệp đó".

Tốn kém 

Các nhà nghiên cứu về Luật Doanh nghiệp đều khẳng định, con dấu ngày nay trở nên siêu quyền lực, mặc dù, nó cũng chỉ là một tài sản của doanh nghiệp như các tài sản khác. Đối với cơ quan Nhà nước, con dấu có vị trí pháp lý quan trọng để chứng thực cho giá trị pháp lý của các văn bản ban hành, nhưng nếu quan điểm này áp lên con dấu doanh nghiệp thì sẽ là không đúng.
cải-cách, con-dấu, Luật-Doanh-nghiệp, môi-trường-kinh-doanh, xếp-hạng-tín-nhiệm, phá-sản, đóng-cửa, tăng-trưởng, lạm-phát
Vì quyền lực của con dấu nên nhiều cá nhân sẵn sàng bắt tay làm giả để lừa đảo

Cùng đó, Luật Doanh nghiệp hiện hành hạn chế về số lượng, mỗi doanh nghiệp chỉ có 1 con dấu và trong trường hợp thật cần thiết, phải xin phép mới được có con dấu thứ 2. Luật cũng bắt buộc con dấu doanh nghiệp đảm bảo chi tiết về hình thức, nội dung, màu sắc... theo quy định của Nhà nước. Vì khoác lên cái áo pháp lý đặc biệt to lớn đó nên mới có chuyện con dấu dễ bị làm giả, như vụ Huyền Như làm giả 8 con dấu lừa được 4.000 tỷ đồng. 

Ông Jean Michel Lobet, chuyên gia tài chính cao cấp của Worldbank, cho biết, Việt Nam đang phải thực hiện 10 thủ tục, mất 34 ngày và tổn chi phí 7,7% GNI theo đầu người để khởi nghiệp kinh doanh. Trong đó, riêng thủ tục khắc con dấu đã mất 6 ngày, với chi phí từ 165.000-370.000 đồng, đăng ký mẫu dấu với công an mất 1 ngày với chi phí 50.000 đồng.
Một phép tính khác cho thấy, thủ tục làm con dấu đang ngốn mất từ 12,8-16,8 tỷ đồng và mất 80-120 ngày của doanh nghiệp. Chính bởi vậy, trong chiến dịch cải cách môi trường kinh doanh, việc sửa Luật Doanh nghiệp đã mở ra rất nhiều điểm mới đột phá. 

TS. Nguyễn Đình Cung nói, dự thảo Luật sẽ cho phép doanh nghiệp chủ động quyết định con dấu của mình, tự đăng ký và chịu trách nhiệm. Con dấu có hình thù gì, màu sắc gì là tuỳ doanh nghiệp, và mỗi doanh nghiệp có thể có tới 4-5 con dấu cho phù hợp với hoạt động của mình. Về lâu dài, tương lai có thể tiến tới bỏ luôn con dấu, việc chứng thực chỉ cần dựa vào chữ ký là được. 

Theo tính toán của nhóm soạn thảo, nếu quy định về con dấu được tháo gỡ như trên, Việt Nam có thể tăng bậc mạnh trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh, từ 70 lên thứ hạng 40. Hiện, kết quả thăm dò ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp cũng cho thấy trên 90% doanh nghiệp ủng hộ. 

"Khi hoạt động kinh doanh đã bước vào thời đại kỹ thuật số thì con dấu công ty trở đã nên lỗi thời và thậm chí, đang trở thành trở ngại. Xu hướng quốc tế là công nhận chữ ký chứng thực, con dấu chỉ còn mang tính chất để nhận diện doanh nghiệp mà thôi", ông Jean cho hay.
VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét