Bà Annette Herfkens, nạn nhân sống sót duy nhất trong vụ tai nạn máy bay rơi tại Ô Kha, Khánh Hòa nói trong lần thứ hai trở về Việt Nam
*Liệu có mối liên quan nào giữa kỹ năng của một người làm kinh doanh (một chuyên viên xử lý nợ chuyên nghiệp), hay một người từng làm công tác thiện nguyện cộng đồng, đã giúp bà sống sót?
Tôi nghĩ có hai hành động để trở thành một nhà kinh doanh giỏi, đó là kiểm soát cảm xúc của mình và tập trung vào hiện tại, theo bản năng của mình. Ứng dụng vào tình huống khi ở trong rừng sau tai nạn, thật lạ lùng khi phải nói rằng tôi đã có ý muốn từ bỏ và không nghĩ quá nhiều về việc đấu tranh cho cuộc sống của mình.
Tôi chỉ nhìn vào thực tế lúc đó và lập nên kế hoạch cho mình: sống với hiện tại, kiểm soát cảm xúc, lên kế hoạch sống sót trong một tuần, theo bản năng của mình, không phải là đấu tranh cho sự sống, mà là kiểm soát mọi thứ trong vòng một tuần.
* Bà đã chia sẻ rằng, chính vẻ đẹp nguyên sơ – hùng vĩ của khu rừng, đã tái sinh bà, rằng việc cố gắng thôi không nghĩ về người chồng đã mất, không bị ám ảnh bởi các xác chết và vết thương lở loét trên cơ thể, rằng việc tập trung tận hưởng vẻ đẹp của khu rừng, đã khiến bà sống sót. Làm sao có thể bắt mình quên đi thực tại đau đớn, thưa bà?
Đó là khả năng tập trung. Vì tôi ý thức rất rõ rằng nếu tôi tiếp tục nghĩ về Pasie (người chồng sắp cưới đã tử nạn) và tất cả bọn giòi, vết thương, xác người… thì tôi sẽ khóc. Điều đó sẽ gây ra sự mất nước cho cơ thể và sẽ khiến tôi kiệt sức nhanh hơn. Do đó, tôi biết rất rõ cách duy nhất để tồn tại và chấp nhận sự thật như nó vốn có, và tìm kiếm cơ hội từ điều đó. Tôi đã nghĩ rằng, cả đời tôi, một cô gái thành thị, chưa bao giờ biết đến một khu rừng nguyên sinh. Và đây là cơ hội cho tôi chiêm ngưỡng nó trọn vẹn. Điều đó đã cứu sống tôi.
* Bà đã sống những ngày tiếp theo sau tai nạn như thế nào? Vụ tai nạn có ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của bà không?
Sau vụ tai nạn máy bay, tôi đã phải xây dựng lại cuộc sống của mình. Tôi đã mất đi người yêu của cuộc đời mình, vị hôn phu cho đến trước khi máy bay rơi vẫn là một phần rất lớn trong tương lai của tôi. Tôi thật sự rất đau buồn và phải chấp nhận những mất mát đó, tiến về phía trước và tiếp tục công việc của mình. Tôi mất một thời gian vài tháng để điều trị vết thương cho đến khi hoàn toàn bình phục.
Sau đó, tiếp tục trở lại công việc yêu thích và xây dựng cuộc sống gia đình mới. Tôi có hai đứa con, một trong hai đứa bị bệnh tự kỷ, và tôi phải nuôi nấng cả hai đứa. Sau khi nuôi đứa con trai tự kỷ, tôi nhận ra rằng tôi nên chia sẻ những thông điệp và bài học của mình với thế giới. Tôi muốn giúp đỡ mọi người, và chính điều đó đã thúc đẩy tôi viết cuốn sách này. Vụ tai nạn giúp tôi nhận ra cái chết không hề đáng sợ, và khi không còn sợ cái chết nữa, bạn sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, vì không còn điều gì làm cho bạn sợ hãi nữa.
Tác giả gặp lại hai người y tá |
Đây là lần thứ hai tôi trở lại Việt Nam. Lần trước, khi đến Việt Nam, tôi cảm thấy rất lo lắng vì chỉ có một mình. Nhưng lần này, mọi thứ đã khác hẳn. Đầu tiên, tôi không cảm thấy cô đơn nữa vì đi cùng đã có con gái tôi, Joosie, cũng là người đã biên tập cho cuốn sách của tôi. Ngoài ra, tôi cảm thấy vô cùng ấm áp khi nhận được sự chào đón của mọi người ở Việt Nam.
Với tôi, Việt Nam bây giờ rất đặc biệt. Tại đất nước này, tôi đã mất đi nhiều thứ, nhưng tôi cũng nhận lại rất nhiều điều. Tôi đã cảm nhận với sự sâu sắc hơn về sự sống và cái chết, những bài học đã giúp tôi cho đến nay, sự mạnh mẽ cần thiết giúp tôi vượt qua hành trình khó khăn trong việc nuôi nấng con trai tự kỷ của tôi.
Bà Annette cùng con gái |
Tôi muốn trở thành một diễn giả về tinh thần, tiếp tục chia sẻ những bài học tôi đã viết trong cuốn sách. Tôi muốn đến gần hơn với mọi người và giúp họ không còn sợ hãi, tôi muốn giúp đỡ những người đã chịu đựng những mất mát.
* Điều gì từ tai nạn máy bay rơi đã thay đổi cuộc đời bà? Sau tai nạn đó, bà có rút ra được nguyên tắc – triết lý sống nào không?
Đừng nên sợ hãi, bởi vì khi nỗi sợ nhất trở thành sự thật, không những nó không quá tệ, mà nó có thể chuyển thành những trải nghiệm tuyệt vời. Và cũng đừng quyết định bất cứ điều gì khi đang sợ hãi. Hãy để cho nỗi sợ đi qua, nhìn ngắm nó, phân tích nó. Mọi quyết định khi đang sợ sẽ không bao giờ là quyết định sáng suốt.
Hai mươi hai năm trước, Annette Herfkens đã như đứng trên đỉnh cao của thế giới: có một sự nghiệp vững chắc trong một ngân hàng hàng đầu thế giới mang lại thu nhập hàng triệu đôla mỗi năm, có một tình yêu đẹp – mối tình đầu thuần khiết 13 năm sắp sửa kết hôn, và thưởng thức cuộc sống ở nhiều châu lục. Nhưng vào ngày 14-11-1992, mọi chuyện đã kết thúc.
Chiếc máy bay chở cô và người chồng sắp cưới đi hưởng tuần trăng mật, lẽ ra phải đến Nha Trang, thì lại đáp xuống đỉnh núi Ô Kha, Khánh Hòa, trong tình trạng vỡ nát. Người chồng sắp cưới đã chết trên chiếc ghế, vẫn còn trong tư thế thắt dây an toàn, và một vài hành khách còn sống cũng lần lượt chết.
Tám ngày sau đó, trong khu rừng nguyên sinh, một mình với vết thương ở khắp nơi trên cơ thể, sống chung với lũ giòi lúc nhúc từ xác những người đã chết khác và cả trên cơ thể mình, bằng cách hứng nước mưa để uống và nghĩ về những điều tốt đẹp, cô đã sống sót.
Rơi vào nghịch cảnh trong thời điểm đẹp nhất đời người, sự sống sót và hồi sinh kỳ diệu của một cô gái Hà Lan trong vụ máy bay rơi chấn động Việt Nam năm 1992 tại ÔKha, Khánh Hòa, là một minh chứng cho ý chí sống và bản năng sinh tồn mãnh liệt.
Nhưng trên hết, ngoài bản năng sinh tồn, có lẽ những gì đã được trui rèn từ một cô gái độc lập, mạnh mẽ, sự quyết liệt sắc sảo của một chuyên viên xử lý nợ trong một ngân hàng hàng đầu thế giới, đã giúp cô những kỹ năng cần thiết để vượt qua.
Theo DNSGCT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét