Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Doanh nhân tìm danh phận


(TBKTSG) - Không quá già để gọi là bảo thủ không còn trẻ để bị xem là bồng bột, họ nói gì về con đường tìm kiếm danh phận của những người theo nghiệp doanh nhân


Không quá già để gọi là bảo thủ, không còn trẻ để bị xem là bồng bột, họ nói gì về con đường tìm kiếm danh phận của những người theo nghiệp doanh nhân.

THÀNH ĐẠT LÀ CHÍNH TA TIẾN BỘ MỖI NGÀY
Phạm Phú Tuấn, Giám đốc
Công ty Bất động sản Phú Tuấn


- Ngoài xã hội, thành đạt biểu hiện qua địa vị, danh tiếng, tiền bạc hay thành quả lao động. Một người làm kinh doanh được nhận xét bởi các yếu tố bề ngoài và cá nhân của họ: tài sản, sức mạnh điều động nguồn lực, hình ảnh tên tuổi, địa vị xã hội. Chính vì thế mà phần đông xã hội lao vào tìm kiếm và xây dựng hình ảnh của mình tương tự như đã nhìn thấy của người khác để được gọi là thành đạt. Thành đạt hấp dẫn bởi nó đem đến cho ta niềm tin rằng ta đã sống có giá trị. Đôi khi ta có được cảm giác đó từ những lời ngợi khen, sự thán phục của bạn bè, người thân và cả những người mà ta không hề quen biết.

Theo đuổi để tìm kiếm thứ gì đó bên ngoài (như lời khen, điểm số, sự thán phục của đám đông...) để khẳng định cho giá trị thành đạt của mình chỉ là ảo tưởng và chưa thực chất.

Để đánh giá về sự thành đạt, cần phải nhìn sâu vào bản chất bên trong, cân bằng được giữa công việc và cuộc sống riêng, hạnh phúc thật sự từ yếu tố gia đình, có cuộc sống bình an, đóng góp theo khả năng cho xã hội và trưởng thành theo thời gian. Đành rằng khi nói đến sự thành đạt của một doanh nhân không thể không nói đến tài sản họ làm ra từ thành quả lao động. Tuy nhiên, tài sản không phải là tiêu chí quan trọng đầu tiên vì người nào chỉ nghĩ đến tiền thì không thể làm cho lý tưởng của mình đơm hoa kết trái. Đồng tiền còn làm cho kẻ khôn kém trí, đứa mất khôn dễ tội lỗi, chơi bời và ngày một ngu đi. Thế nên, tài sản sẽ chỉ xếp hàng thứ yếu trong việc đánh giá về một người thành đạt.

Thành đạt đúng đắn cho từng người là ta phải tiến bộ mỗi ngày về năng lực lao động, trí tuệ và đạo đức. Tôi luôn cố gắng nỗ lực mỗi ngày với một tâm niệm như thế.
Trần Ngọc Bình, Giám đốc
Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Trần

TRƯỚC HẾT LÀ NGƯỜI TỐT CỦA GIA ĐÌNH

- Ai cũng có thể định nghĩa doanh nhân thành đạt là người thành công trên các khía cạnh: bản thân, gia đình, sự nghiệp, xã hội và vật chất. Ở đây tôi không bàn đến yếu tố sự nghiệp cũng như vai trò và sự đóng góp của giới doanh nhân cho xã hội vì đã có những tiêu chí đánh giá khá rõ.

Tôi chỉ chia sẻ thêm quan điểm một doanh nhân thành đạt hay một người được gọi là thành đạt trước hết phải là người sống lành mạnh, tích cực và được xem là người “tốt” của gia đình. Một người tốt của gia đình trước hết phải là người biết yêu quý gia đình, mang lại những giá trị tích cực cho gia đình, được các thành viên trong gia đình tôn trọng, yêu thương. Nếu một doanh nhân không được những người trong gia đình xem là người “tốt” thì dù doanh nghiệp của họ có thành công bao nhiêu, bên ngoài xã hội có nổi tiếng bao nhiêu thì theo tôi họ chưa phải là người thật sự thành đạt.

Về yếu tố vật chất, có lẽ khi được gọi là doanh nhân thành đạt thì đó là người giàu có hoặc họ chính là người tạo ra vật chất tốt. Phải nhìn vào xuất phát điểm để đánh giá vật chất mà người đó đang sở hữu. Có những người sinh ra đã có vật chất đầy đủ, được thừa hưởng tài sản từ gia đình, dòng tộc và bị phụ thuộc quá nhiều thì không phải là người thành công. Một người thành công khi chính họ tạo ra những giá trị vật chất tốt và đó chính là yếu tố mang lại sự thành đạt.

Đoàn Hữu Đức, Chủ tịch
Công ty Tư Vấn Việt Nam
NGÀY LÀ BẠCH THÁI BƯỞI, ĐÊM LÀ CÔNG TỬ BẠC LIÊU

Ở Việt Nam, nhìn về lịch sử mở nước, khi Đàng Ngoài theo văn hóa cung đình, xếp hạng thành đạt theo địa vị của một con người trong xã hội phong kiến; thì ở Đàng Trong, với văn hóa khẩn hoang, sự thành đạt đến đâu là tùy vào khả năng “mở cõi”, biết đón đầu tạo ra tài sản và biết tích trữ.

Ở miền Nam, từ người con trai lớn nhất trong gia đình, đến những doanh nhân thành đạt nhất ngoài xã hội thường có danh xưng chung là “anh Hai”. Có người giải thích, gọi là “anh Hai” để nhường vai “anh Cả” cho Hà Nội, và tự xếp mình trên “anh Ba” (người Hoa chợ Lớn). Anh Hai thường không có những giấc mơ vĩ cuồng để trở thành “siêu nhân” mà rất cụ thể, với văn hóa đánh nhanh, thắng gọn, theo thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Doanh nhân phương Nam sống theo bản năng, và chết theo niềm đam mê của mình.

TPHCM là một đô thị đa văn hóa, nhiều vùng miền, nhiều thế hệ nhập cư, nhiều thử thách và cũng là trung tâm kinh tế lớn nhất, tập trung nhiều hội đoàn của những doanh nhân thành công. Lớp doanh nhân trẻ thành đạt ngày càng có nền tảng học vấn vững chắc, trường học song hành cùng trường đời. Doanh nhân phương Nam học cách ứng phó linh động với thời thế, họ thấm nhuần lối đánh du kích trên chiến trường, phối hợp nhỏ kiểu Tiki-Taka trên sân bóng, và nếu cần cũng không quên kiểu “chụp giựt” của thời bao cấp.

Đối với doanh nhân thành đạt phương Nam, chuyện làm ăn là thuộc tính bản năng, thấy cơ hội thì nắm bắt, thích nhau thì kết nối, gặp thời thì triển khai, gặp mỹ nhân thì phải cảm, thấy micro thì phải hát, có thể tự quyết định cuộc đời và sự nghiệp. Họ sống tự nhiên, không gò bó, hạnh phúc với hợp đồng vừa ký cũng giản đơn như với tấm hình vừa “post” lên Facebook câu được nhiều “like”; hay cười khà khà cho dù bị “ném đá” hay bông đùa theo những câu chúc tụng mà không ngại ngần mất hình ảnh vì họ luôn là chính họ với những giá trị tự thân khác biệt.

So với hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã “chết”, những doanh nhân Việt còn trụ lại đến giờ này đều đáng để vinh danh “doanh nhân thành đạt”.
Làm doanh nhân phương Nam không phải chỉ biết kiếm tiền mà còn phải biết và dám tiêu tiền, bởi qua cách xài tiền họ thể hiện tính cách của mình. Doanh nhân thành đạt Sài Gòn ảnh hưởng văn hóa miền Tây, đo sự giàu có của một con người không phải là số tiền họ có trong ngân hàng, mà là số tiền họ dám đầu tư cho sự nghiệp, đóng góp cho cộng đồng, thậm chí dám cá cược cho các cuộc vui, hay không tiếc tiền cho các người đẹp “chân dài”. Ban ngày, họ khôn ngoan lanh lợi như Bạch Thái Bưởi, còn về đêm thì có thể ngông cuồng như công tử Bạc Liêu.

Sẽ khó nói doanh nhân thành đạt nam và nữ ai nhiều hơn ai ở đất phương Nam. Bước vào chợ Bến Thành gọi tên các chủ sạp lớn nhất, nhìn sang các siêu thị lớn, lò bánh mì, tiệm hủ tiếu thành công nhất hay về miền Tây tìm những công ty thủy sản tầm cỡ, công ty địa ốc mạnh mẽ đều thấy dáng dấp những bà chủ thành đạt, hào sảng. Họ đều giống nhau từ lòng nhiệt thành với tôn giáo, đến cách ăn mặc sành điệu, hay lòng hảo tâm dễ lay động.

Điểm chung ở đây, doanh nhân được xem là thành đạt phương Nam dù nam hay nữ là những người độc lập.

Họ không là “sân sau” của ai đó nhưng lại cần có hội đoàn và luôn chăm chỉ tìm kiếm những cơ hội mới mỗi ngày.

Sự lớn mạnh của các câu lạc bộ trong vài năm qua chứng minh tính cách hướng về cộng đồng và nhu cầu kết nối của doanh nhân. Doanh nhân không thể thành công nếu thiếu cộng đồng hỗ trợ, và không thể gọi là thành đạt nếu không được cộng đồng thừa nhận. “Buôn có bạn, bán có phường” là vậy!

Chris Harvey một doanh nhân Mỹ thành đạt tại Việt Nam đã từng vò đầu bứt tai không hiểu tại sao hàng chục cửa hàng san sát nhau trong chợ, trên đường phố Sài Gòn bán những mặt hàng giống hệt nhau, với giá cả tương tự nhau mà vẫn tồn tại, dửng dưng với định luật khác biệt trong cạnh tranh. Sự khác biệt ở đây chính là bản thân mỗi ông bà chủ cửa hiệu cùng những mối quan hệ bạn hàng riêng với văn hóa ủng hộ người quen biết, làm nên sự thành đạt của doanh nhân. Doanh nghiệp của họ có thể không lớn, nhưng lại độc đáo nhờ vào chính bản thân của mỗi doanh nhân thành đạt. Và như vậy dù ở lứa tuổi U20 hay U50, họ vẫn hấp dẫn đối tác, bạn bè và thấp thoáng đó đây là những người đẹp hâm mộ.

Có rất nhiều sách vở viết về các tính cách của một doanh nhân thành đạt, nhưng tất cả đều bắt đầu bằng việc doanh nhân phải yêu thích công việc mình làm. Để thành đạt doanh nhân phải thực hiện nghiêm túc và kiên trì công việc, có đội ngũ nhân sự tốt... và phần còn lại cuối cùng là may mắn. Với tôi, “Vua Lốp” Nguyễn Văn Chẩn là doanh nhân thành đạt vì những nỗ lực sáng tạo của ông và sự kiên trì đấu tranh cho công lý, và tinh thần khởi nghiệp bất kể những sóng gió cuộc đời, cho dù tài sản cuối đời chỉ là một miếng đất nhỏ.

Trong tình hình kinh tế hiện nay, với những biến động đã xảy ra trên thị trường trong mười năm qua, dự báo về những thử thách trong ba đến năm năm tới; so với hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã “chết”, những doanh nhân

Việt còn trụ lại đến giờ này đều đáng để vinh danh “doanh nhân thành đạt”. Và như vậy trở thành doanh nhân thành đạt không quá khó, chỉ cần giữ cho doanh nghiệp bạn không “chết” theo thời gian.
BẢN LĨNH VÀ TRUNG THỰC

John Châu, Chủ tịch
CQD Associative Group
- Hễ bất cứ ai bán món hàng gì dù lớn hay nhỏ cũng được gọi là người đi kiếm tiền. Nhưng trong công việc kiếm tiền, khi những lợi ích người đó mang lại không chỉ dành riêng cho cá nhân, gia đình, cơ sở kinh doanh của mình mà xa hơn nó ảnh hưởng tới cộng đồng xung quanh, tạo nên những giá trị tích cực thì người đó được gọi là một doanh nhân thành đạt. Sự thành đạt của một doanh nhân phải được xã hội quan sát, đo lường và công nhận, chứ không phải do chính người đó hay một nhóm người suy tôn mà được.

Trong những tiêu chuẩn đánh giá về một người thành đạt trong xã hội, theo tôi có một tiêu chuẩn cần xem xét lại và hiểu cho rộng để có cái nhìn chính xác hơn. Đó là sự bản lĩnh và tính trung thực. Tại sao như vậy? Vì một doanh nhân trung thực dám nói ra những hạn chế của mình mà không hề e ngại sẽ làm cho đối tác yên tâm và kính trọng. Một doanh nhân biết đưa ra giải pháp để doanh nghiệp ngày một hoàn thiện hơn sẽ củng cố được lòng tin và duy trì sự hợp tác lâu dài với đối tác. Một doanh nhân có bản lĩnh (trung thực) để nói thật đáng kính trọng hơn rất nhiều những doanh nhân bản lĩnh bất chấp thủ đoạn để làm lợi cho mình. Khi người tiêu dùng còn chọn sản phẩm vì lòng tin thì tôi vẫn đặt nặng hai tiêu chí trên cho một doanh nhân thành đạt.

Có những doanh nhân họ không giàu về tài sản, nhưng khi cần họ có thể huy động được những khoản tiền lớn. Những người đó mới thật sự là doanh nhân thành đạt, họ giàu cái đức, cái tài và có khối tài sản là “chữ tín” rất lớn.

Một doanh nhân thành đạt không nhất thiết phải sống có lý tưởng lớn mà thay vào đó hãy sống và làm tròn vai của mình trên mặt trận kinh tế, xã hội và trong gia đình. Chỉ cần mỗi doanh nhân làm tốt vai trò của mình thì khi gộp lại Việt Nam mới có một nền kinh tế mạnh, thế hệ kế thừa ưu tú, quốc gia sẽ tự khắc hùng cường.
Chẳng cần một doanh nhân nào tự xưng danh, hô hào những lý tưởng to tát nhưng khi nhìn quanh tất cả chỉ là sự độc hành...


Chúng ta đang thành đạt trong lúc im lặng và hành động, trong từng suy nghĩ về công việc đang làm, hoàn thành mục tiêu mỗi ngày trong mối quan hệ kết giao chung quanh. Biết giới hạn lòng ham muốn vừa phải thì sự thành công đạt tới sẽ không quá nặng nề mệt mỏi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét