Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Những công ty vĩ đại đôi khi lại sinh ra từ ý tưởng vô vị

Nếu không có một ý tưởng lớn cho công ty của mình, bạn sẽ được xếp cùng nhóm với Sony, Boeing, HP hay Walmart. Một nhóm không tệ, phải không? 
Bạn đam mê với kinh doanh, nhưng khổ nỗi là bạn không rủng rỉnh vốn và cũng chẳng có một ý tưởng đột phá nào trong đầu. Hay đã là một doanh nhân và đang phải chật vật để duy trì công ty, đồng thời suốt ngày dằn vặt mình vì quá vội vàng, không chịu suy nghĩ kỹ khi bắt đầu kinh doanh?

Trong khi đó, ngôi trường kinh doanh bạn từng theo học, cũng như bao ngôi trường khác ở Anh hay Mỹ, luôn nói với bạn rằng: Hãy đưa ra một kế hoạch rõ ràng trước khi bắt đầu kinh doanh, và một ý tưởng đột phá, khác biệt sẽ giúp bạn thành công.

Sự thực có đúng là như vậy? Có thực sự là bạn phải thật vĩ đại, với những ý tưởng đột phá tới mức làm thay đổi cả thế giới không? Có thực sự là nếu bạn không khác biệt, bạn sẽ chết không?

Có thể bạn sẽ không nghĩ vậy, nếu bạn biết rằng trên thực tế, đa số công ty hàng đầu thế giới được lập ra mà chẳng có ý tưởng cụ thể nào cả. Một số ít khác thậm chí đã khởi đầu bằng những thất bại. Các công ty này cũng không đạt được thành công trong kinh doanh bước đầu so với những công ty đối thủ khác.

Nhiều người cho rằng, một CÔNG TY VĨ ĐẠI phải được hình thành từ một “Ý TƯỞNG VĨ ĐẠI” – một sản phẩm, dịch vụ đầu tiên mang tính đột phá và đem lại thành công. Điều đó có thể đúng hoặc không. 

Thậm chí một công ty thành công đôi khi lại bắt nguồn với một ý tưởng chả-đâu-vào-đâu. 

Công ty công nghệ HP nổi tiếng là một ví dụ. Được thành lập vào năm 1937, 2 nhà sáng lập HP: Bill Hewlett và Dave Packard lúc đầu chẳng có kinh nghiệm kinh doanh cái gì, họ cũng chẳng có một ý tưởng rõ ràng và cụ thể nào cho công ty. Tất nhiên, họ cũng suy nghĩ rất nhiều về sản phẩm đầu tiên cũng như các cơ hội thị trường, nhưng không có ý tưởng chủ đạo nào có thể là nguồn cảm hứng để phát triển công ty cả.

Thế là Bill và Dave quyết định cứ… mở công ty đã, sau đó mới xác định xem sẽ xây dựng cái gì. Họ cứ thử nghiệm bất cứ điều gì, miễn là giúp họ đủ tiền thanh toán điện nước và các chi phí duy trì hoạt động.
Những công ty vĩ đại đôi khi lại sinh ra từ ý tưởng vô vị (1)

Một trong những nhà đồng sáng lập vĩ đại nhất trong lịch sử bắt đầu kinh doanh mà chẳng có ý tưởng nào trong đầu. Họ quyết định: Cứ mở đã rồi tính


Một công ty hàng đầu đôi khi cũng tư duy "dân dã" như vậy: cứ làm đi đã, còn lại tính sau. Nghe thì có vẻ phi lý, nhưng lại rất đơn giản: Bạn có một ít tiền trong túi và điều bạn cần làm là bất cứ thứ gì khách hàng nghĩ là bạn có thể làm được.


Sản phẩm của họ như đã nói ở trên, chẳng đi đến đâu cả, cũng chẳng có vị trí nào trên thị trường. Thậm chí kể cả khi có được hợp đồng lớn đầu tiên, HP vẫn tiếp tục phong cách không tập trung của mình, loay hoay nhiều sản phẩm khác nhau cho đến khi họ bùng nổ từ những hợp đồng trong chiến tranh giai đoạn 1940.

Sony cũng vậy, Masaru Ibuka thành lập công ty của ông vào năm 1945, và hoàn toàn chẳng có ý tưởng vĩ đại như sản xuất ra chiếc walkman cả. 

Hàng tuần, ông ngồi cùng nhân viên của mình để nghĩ xe công ty phải kinh doanh cái gì để có tiền hoạt động tiếp. Kết quả là Sony sản xuất đủ thứ, từ súp đậu ngọt, dụng cụ đánh golf cỡ nhỏ cho đến thước gấp. Sản phẩm lớn đầu tiên của Sony là nồi cơm điện, thậm chí đã không vận hành suôn sẻ và máy ghi âm của họ thì thất bại thảm hại trên thị trường. Để duy trì và tồn tại, công ty đã phải khâu dây điện vào vải để làm miếng đệm tạo sức nóng, “tuy thô kệch nhưng lại bán được”.
Những công ty vĩ đại đôi khi lại sinh ra từ ý tưởng vô vị (2)
Khi mới thành lập, Sony thậm chí còn phải bán súp đậu ngọt hay thước gấp

Thậm chí, cả thương hiệu bán lẻ vĩ đại nhất thế giới, Wal-mart cũng có một Sam Walton khởi nghiệp kinh doanh với một ý tưởng kém vĩ đại. Ông bước vào kinh doanh chỉ với mong muốn được tự làm chủ, và với chút kiến thức về bán lẻ.


Trong Made in America, Sam Walton đã viết: “Rất nhiều người có ấn tượng rằng Wal-mart là một ý tưởng vĩ đại tự dưng xuất hiện ở tôi, và ý tưởng đó đã biến thành một thành công ngay lập tức. Nhưng thực ra cửa hàng Wal-Mart đầu tiên chính là kết quả những cố gắng của chúng tôi từ năm 1945 – một thí nghiệm nữa mà thôi. Và cũng như mọi thành công khác, nó mất tới 20 năm để có thể có được.

Kể cả ý tưởng phân phối hàng hóa ở nông thôn, với giá rẻ của Wal-mart cũng không phải đầu tiên. Họ chỉ làm tốt hơn đối thủ mà thôi.


Rất nhiều cái tên có thể kể ra: P&G lúc đầu chỉ là 1 trong 18 cơ sở sản xuất xà bông và nến ở Cincinnati, Philip Morris ban đầu chỉ là một hiệu bán lẻ thuốc là ở London, Bill Boeing thậm chí còn gặp thất bại đến mức ông phải chuyển sang bán đồ nội thất để tồn tại.


Sự thực là chẳng có cái gì gọi là "Huyền thoại về thành công ở các công ty số một cả". Họ có thể mở ra mà chẳng cần tới một ý tưởng đột phá. Thậm chí lập ra một công ty từ một “ý tưởng vĩ đại” có thể là một… ý tưởng kém, khi nghiên cứu cho thấy những công ty có ý tưởng xuất sắc lại không thành công bằng. 

Tất nhiên, tôi không nói những ý tưởng vĩ đại không dẫn tới thành công, tôi chỉ nói nó không mang vai trò quyết định mà thôi. Cũng như trong câu chuyện ngụ ngôn giữa rùa và thỏ, các công ty hàng đầu luôn xuất phát chậm chạp nhưng lại là người chiến thắng sau cùng.


Vì vậy, nếu không có một ý tưởng lớn cho công ty của mình, bạn cũng đừng lo lắng gì cả, vì lúc đó bạn sẽ được xếp cùng nhóm với Sony, Boeing, HP hay Walmart. Một nhóm không tệ, phải không?

Bạn có thể cho rằng, họ không có một ý tưởng cụ thể, nhưng họ có những con người vĩ đại đằng sau đó, như là Sam Walton của Wal-mart chẳng hạn. Có thể bạn đúng, nhưng thực tế, sở hữu một lãnh đạo vĩ đại trong đội ngũ cũng không hẳn là chìa khó dẫn đến thành công của các doanh nghiệp kể trên.
(Còn tiếp)
Theo Infonet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét