Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

15 bài học kinh doanh từ người sáng lập Amazon (P1)

Điều gì đã làn nên thành công của hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới – Amazon? Phải chăng đó là người sở hữu khối tài sản trên 18 tỷ USD - Jeff Bezos. 
Hầu như mọi người đều tự hỏi: Điều gì đã làn nên thành công của hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới – Amazon? Phải chăng đó là người sở hữu khối tài sản trên 18 tỷ USD và là người được tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm 2013 - Jeff Bezos.

Jeff Bezos – nhà sáng lập, chủ tịch Hội đồng quản trị và CEO của Amazon.com, và sự nghiệp của ông để lại cho mọi người nhiều bài học đáng giá. Hãy cùng học hỏi những bài học đó:

#1 Luôn hành động

Một sai lầm phổ biến thường thấy là việc chúng ta thường đắn đo và cho rằng chúng ta phải biết chính xác chúng ta cần làm gì, hành động như thế nào trước khi làm một việc gì đó. Việc này dẫn đến hội chứng “tê liệt phân tích (analysis paralysis)” và việc chẳng làm gì cả.

Hãy xem Bezos, ông luôn nhận thức rằng mặc dù việc thực hiện các hành động sai lầm có thể mang đến những hậu quả tiêu cực, nhưng “Nếu bạn không quyết định nhanh chóng bạn sẽ làm gì mà bạn tin rằng nó sẽ mang lại kết quả tốt, bạn sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội trong lúc suy nghĩ bạn nên làm gì”. 

Năm 1994, Jeff Bezos đứng trước một quyết định lớn nhất trong đời ông: Từ bỏ công việc quản lý quỹ được trả lương hậu hĩnh tại NYC để thành lập một trang bán sách điện tử trực tuyến hay tiếp tuc ở lại? Và ông đã chọn mở cửa hàng bán sách trực tuyến, mua tên miền Amazon.com, từ đó Amazon đã trở thành biểu tượng cho tinh thần dám hành động của ông.

Khi Amazon đã phát triển, Bezos luôn khuyến khích nhân viên của mình hãy dám sai lầm về mặt hành động. Đôi khi điều này đã dẫn đến các sáng kiến trị giá nhiều triệu USD như sáng kiến tạo ra cơ chế một cú nhấp chuột để mua sắm, và tất nhiên vẫn có thất bại như dịch vụ đấu giá (không thể cạnh tranh với Ebay). Và Bezos không ngại những sai lầm này: "Chúng tôi sẵn sàng để đi xuống một loạt các lối đi tối, và đôi khi chúng ta tìm thấy một cái gì đó thực sự là ánh sáng trong đó". Chính vì vậy Bezos liệt kê giá trị “ưu tiên hành động trước" là một trong sáu giá trị cốt lõi của Amazon.

#2 Hạn chế sự hối tiếc

Khi Bezos tự đấu tranh nên hay không nên bỏ công việc hiện tại và bắt đầu Amazon.com, ông nhận ra rằng ông không có một cách thức phân tích để đi đến các quyết định trọng đại trong đời. Vì vậy, ông đã xây dựng một nguyên tắc tạm gọi là “hạn chế sự nuối tiếc”.

Bezos cho rằng, trong cái nhìn tổng thể toàn cảnh, các quyết định đúng đắn là rõ ràng, và ông sẽ không hối tiếc khi mất công việc quản lỹ quỹ khi ông ở tuổi 80 (vì chắc chắn ông có thể tìm thấy một công việc tốt khác sau đó), nhưng ông sẽ đau đớn vì không ném tiền vào trong thời kì hoàng kim của internet khi đó (tại thời điểm đó, Internet đã phát triển với tốc độ 2300% mỗi năm). Và ông cho rằng: "Tôi biết rằng nếu tôi thất bại tôi sẽ không hối tiếc, nhưng tôi cũng biết một điều là tôi có thể hối tiếc là đã không cố gắng".

#3 Tăng trưởng bền vững

Mất bao lâu từ khi khởi nghiệp để bạn có thể có lãi? Sáu tháng hay 1 năm? Đối với Jeff Bezos và Amazon.com, phải mất hơn sáu năm. Thậm chí sau đó, công ty chỉ kiếm được 5 triệu USD lợi nhuận từ doanh thu trên 1 tỷ USD hàng năm.

Điều đó có vẻ như là một sự tăng trưởng vô cùng chậm chạp, nhưng tất cả đã đi theo kế hoạch kinh doanh với nhịp độ chậm không thông thường của Bezos. Bezos đã không vội vàng để thu về lợi nhuận bởi vì ông muốn giữ giá thấp, trong khi dùng doanh thu tái đầu tư càng nhiều càng tốt trở lại cho công ty. 
Chiến lược này làm thất vọng các nhà đầu tư trong ngắn hạn nhưng nó đã được đền đáp khi Amazon sống sót vững vàng sau thời khì đổ vỡ bong bóng dot-com và ngay sau đó là kiếm được lợi nhuận tăng dần đều qua các quý.

#4 Tận dụng tối đa việc “rỉ tai”

Khi bắt đầu thành lập Amazon, Bezos không có đủ tiền để thực hiện marketing bài bản. Và ông đã nghĩ rằng, trong trường hợp đó, không có gì tốt hơn là việc “rỉ tai” nhau – hay marketing truyền miệng - "Nếu bạn đem lại các trải nghiệm tuyệt vời, khách hàng sẽ rỉ tai nhau về điều đó. Và tác dụng của việc rỉ tai là rất mạnh mẽ."

Thực sự thì không có cách nào tốt hơn cho một doanh nghiệp mới thành lập phát triển mạng lưới khách hàng thông qua các lời “rỉ tai” tích cực. Và cách duy nhất để đạt được điều đó là cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ tuyệt vời và cả dịch vụ khách hàng tuyệt vời nữa.

#5 Không có gì quan trọng hơn khách hàng

Mọi người đều biết rằng khách hàng luôn luôn đúng. Nhưng Bezos và Amazon đã đưa ra những triết lý khách hàng là thượng đế đến một đỉnh cao hoàn toàn mới. Đối với Bezos, sự hài lòng của khách hàng không chỉ là tất cả mọi thứ, đó là điều duy nhất. Đó là nền tảng của mô hình kinh doanh của ông: "Điều quan trọng nhất là tập trung mọi nỗ lực để phục vụ khách hàng. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành công ty lấy khách hàng là trung tâm của mọi hoạt động. "

Và Bezos cho rằng dịch vụ khách hàng là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Amazon: "Nếu có một lý do gì chúng tôi đã làm tốt hơn so với các đồng nghiệp của chúng tôi trong không gian Internet trong sáu năm qua, đó là vì chúng tôi đã tập trung giống như một tia laser vào sự trải nghiệm khách hàng."

Trải nghiệm của khách hàng chưa bao giờ được coi trọng kỹ càng như trên môi trường trực tuyến, các nhận xét, ý kiến về bạn luôn lây lan nhanh chóng trên các mạng xã hội và đối thủ cạnh tranh của bạn luôn ngóng đợi một lời nhận xét thiếu tích cực dù là nhỏ nhất. Nếu bạn muốn thương hiệu của bạn phát triển mạnh trên môi trường trực tuyến, hãy tập trung giống như một tia laser vào sự hài lòng của khách hàng.

#6 Tính phí ít đi

Một số công ty luôn cố gắng tìm cách để tính phí cho khách hàng nhiều hơn nữa, ví dụ điển hình là các hãng hàng không và đại lý xe hơi. Amazon cũng có thể có thể làm điều tương tự, nhưng họ đã không làm. Thay vào đó, Bezos nói với nhân viên của mình phải tìm cách để cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả để họ có thể tính phí khách hàng của họ ít hơn đối thủ càng nhiều càng tốt, ông nói: "Có hai loại công ty: những công ty làm việc để cố gắng tính phí nhiều hơn và những công ty làm việc để tính phí ít hơn. Tôi sẽ là loại thứ hai."

Thật dễ dàng để tăng doanh thu bằng cách tăng giá của bạn, nhưng nó cũng có thể dẫn đến sự không hài lòng của khách hàng (mà sẽ làm giảm doanh thu của bạn trong tương lai). Trước khi bạn tính phí nhiều hơn, hãy làm mọi thứ có thể để làm cho việc kinh doanh của bạn rẻ hơn và hiệu quả hơn. Bạn sẽ giúp lợi nhuận của bạn tăng lên và thậm chí bạn có thể tính phí cho khách hàng của bạn ít hơn. Đó là win-win.

#7 Không ngừng sáng tạo

Con người bình thường có xu hướng ngại thay đổi. Và Jeff Bezos càng sợ hơn khi nó trở thành trở thành sự trì trệ. Để tránh điều đó ông luôn thúc đẩy sự sáng tạo, thay đổi để mang đến cho Amazon.com danh tiếng là công ty luôn luôn năng động, sáng tạo và phát triển.

Amazon bắt đầu với nghề bán sách đơn giản, nhưng nó đã không ngừng mở rộng, thay đổi ngay kể từ khi ra đời. Hôm nay, thứ mà Amazon bán không chỉ là tất cả mọi thứ bên ngoài - mà còn cả các sản phẩm, dịch vụ của riêng nó, thậm chí nó cung cấp một loạt các dịch vụ web, dịch vụ vận chuyển hàng hóa đến cửa nhà bạn (nếu bạn sống ở Washington).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét