Kiếm tiền luôn là một nghĩa vụ không thể thoái thác, một nhu cầu lớn và chính đáng của tất cả những người đang ở độ tuổi lao động.
Tiền là phương tiện và mục đích?
Đối với một số người tiền vừa là phương tiện, vừa là mục đích. Đối với hầu hết những người còn lại, tiền có thể không là mục đích, nhưng lại một là phương tiện cực kỳ quan trọng.
Những con người bình thường như chúng ta nếu không cần tiền, thì cũng sẽ rất cần những cái mà tiền đem lại: thức ăn, quần áo, nhà cửa, dịch vụ sức khỏe, du lịch… Vì thế, kiếm tiền luôn là một nghĩa vụ không thể thoái thác, một nhu cầu lớn và chính đáng của tất cả những người đang ở độ tuổi lao động.
Giàu là một khái niệm tương đối
Phần lớn chúng ta kiếm tiền không chỉ để thỏa mãn những nhu cầu của mình mà còn hướng đến việc việc làm giàu. Ngày nay “làm giàu” trở thành cụm từ thời thượng, và được dùng trong nhiều bài viết, bài nói chuyện, cuộc hội thảo. Thế nhưng mỗi chúng ta sẽ có định nghĩa khác nhau về giàu vì giàu là một khái niệm tương đối.
Chị bán rau đi xe đạp sẽ nói anh xe ôm có chiếc xe máy là người giàu; anh xe ôm thì nói anh nhân viên lương 10 triệu đồng/tháng là người giàu; anh nhân viên nói sếp của mình với mức lương 100 triệu và có tài sản khoản 4-5 tỷ là người giàu; anh giám đốc này lại nói anh doanh nhân có 50 tỷ là người giàu; anh doanh nhân lại nói ông Phạm Nhật Vượng, ông Đoàn Nguyên Đức mới là người giàu; Ông Vượng, ông Đức thì nói ông Bill Gates, ông Warren Buffet mới là mới đích thực là người giàu....
Khái niệm giàu thật sự là tương đối và vì thế, chúng ta không nên quá tự hào vì số tiền, tài sản mình sở hữu – vì luôn có người giàu hơn, và cũng không nên quá tự ti – vì luôn có người nghèo hơn mình.
Hiện nay, người ta còn dùng cụm từ “tự do về tài chính” để thay cho chữ “giàu”. Hiểu một cách cơ bản, một người tự do về tài chính là người có thể sống mà không cần phải làm việc vì thu nhập từ tài sản của họ cao hơn chi phí cuộc sống của họ. Bản thân tôi nhận thấy “Tự do về tài chính” là một định nghĩa khá hay và là một mục tiêu khái niệm khá hợp lý để theo đuổi.
Xác định mục tiêu làm giàu hợp lý
Một mục tiêu giàu hợp lý là những mục tiêu có tính khả thi và có tính thách thức để chúng ta phải cố gắng với hết tiềm lực, khả năng của mình. Có hai trạng thái mà chúng ta cần tránh khi xác định mục tiêu làm giàu:
Trạng thái thứ nhất là đặt mục tiêu quá thấp. Khi ở trạng thái này chúng ta an phận, và không bao giờ phát huy được hết trí tuệ, sức lực của mình để vươn lên và làm giàu đúng với mức mà mình phải được hưởng. Tôi hay gọi trạng thái này là “đầu hàng sớm”.
Trạng thái thứ hai là đặt cho mình một mục tiêu quá cao so với thực lực hiện tại của bản thân. Khi ấy chúng ta dành hết thời gian truy đuổi mục tiêu mà ít có hy vọng đạt được. Hậu quả là chúng ta không còn thời gian, tâm trí để “sống” và thụ hưởng thành quả của mình.
Quản trị tài chính cá nhân
Ngay từ ngày xưa, ông cha ta đã biết biết đến quản trị tài chính qua những câu như “tích tiểu thành đại”, “ăn chắc mạc bền”… Quản trị tài chính cá nhân không quá phức tạp như cái tên “thời thượng” của nó.
Nói một cách đơn giản dể hiễu, chúng ta quản trị tài chính cá nhân bằng cách: tối ưu hóa những cơ hội kiếm tiền và quản lý những số tiền chi tiêu trong sự tương quan hợp lý so với những số tiền mình kiếm được nhằm đạt mục tiêu tài chính, làm giàu của mình.
Để có thể quản lý tài chính cá nhân, chúng ta cần bắt đầu với việc ghi nhận chi tiết từng khoản tiền thu và chi trong hiện tại, và những khoản tiền thu và chi dự đoán trong tương lai, sắp xếp chúng theo loại. Trên bức tranh tổng thể đó, chúng ta sẽ điều chỉnh việc chi tiêu và tái đầu tư của mình cho hợp lý.
Một số sách về quản trị tài chính đưa ra những công thức như: tiết kiệm 10% của số tiền thu nhập bất kể trường hợp nào, hay phải có sẵn số tiền dư để có thể sinh hoạt bình thường 3 năm mà không lo lắng, hay vạch ra những tỷ lệ x% cho nhu cầu nhà ở; y% cho nhu cầu ăn, uống; z% cho nhu cầu mua sắm, lễ nghĩa, du lịch, học hành…
Đây là những công cụ rất có ích, nhưng theo tôi chúng ta không nên áp dụng một cách cứng nhắc. Tùy vào tình hình cụ thể của từng cá nhân, hoàn cảnh gia đình, văn hóa vùng miền, áp lực bạn bè, mục tiêu tài chính... mà chúng ta uyển chuyển áp dụng cho hợp lý.
Cũng con người đó khi mới đi làm hay khởi nghiệp sẽ đặt mục tiêu tiêu tiết kiệm lên hàng đầu “cần cũng ráng không mua”, qua thời gian sau thì lại vung tay trong chi tiêu “không cần cũng mua” cho “bằng bạn, bằng bè”, và sau đó thì lại “cần thì đắt mấy cũng mua, không cần thì rẻ mấy cũng không mua”. Quan trọng nhất của quản trị tài chính cá nhân là nhận biết rõ, quản lý chặt chẽ nguồn thu và chi để đạt mục tiêu tài chính cá nhân của mình.
Nghĩ giàu là điều kiện CẦN để trở nên giàu
Cuốn sách “Nghĩ giàu và làm giàu “ của tác già Napoleon Hill là một trong những cuốn sách kinh doanh bán chạy hàng đầu thế giới, và nó đã giúp hàng triệu người trên thế giới làm giàu.
Theo cuốn sách, để làm giàu, trước hết chúng ta phải nghĩ giàu. Nghĩ giàu không phải đơn thuần là mơ ước giàu có (ai mà không mơ ước giàu?). Nghĩ giàu ở đây là chúng ta phải khát khao mạnh liệt, phải tin rằng mình sẽ giàu, phải đưa cái tư tưởng làm giàu đó vào bộ não và cả tiềm thức của mình…Khi nghĩ giàu được như vậy chúng ta mới đủ sức mạnh để vượt qua vô vàn khó khăn, trở ngại trên con đường làm giàu.
Thế nhưng đọc một cuốn sách, hay nghe một bài nói chuyện về nghĩ giàu chưa có thể giúp chúng ta nghĩ giàu ngay lập tức. Tự bản thân chúng ta cần phải tập luyện và duy trì sự nghĩ giàu đó một cách kiên trì, bền vững.
Rất nhiều người đọc xong một cuốn sách, nghe xong một khóa huấn luyện về làm giàu thì thấy hừng hực khí thế. Qua 1, 2 ngày thì mọi thứ trở về như cũ; tâm thức và suy nghĩ như người giàu không còn nữa. Họ quay ra trách cuốn sách hay khóa học. Cuốn sách, khóa học không có lỗi. Lỗi ở cách người ta quảng bá cuốn sách/khóa học đó một cách quá mức và lỗi của chính nguòi đọc/người học vì đã không biết tự duy trì sự nghĩ giàu một cách lâu dài và bền vững.
Hiểu và biết cách làm giàu là điều kiện ĐỦ để trở nên giàu
Thế nhưng nghĩ giàu cũng chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Điều kiện đủ là chúng ta phải tìm cho cho mình một cách làm giàu hợp lý phù hợp với năng lực và điều kiện của mình.
Nghĩ giàu sôi sục mà không tìm phương cách làm giàu, hay làm giàu sai cách thì cũng sẽ không giàu. Một số công ty, người quảng bá một số phương pháp kiếm tiền như là một cách làm giàu nhanh, dễ dàng và không rủi ro. Đây là việc hầu như không thể vì nếu thế thì rất nhiều chúng ta đã giàu cả rồi.
Theo tôi, bất cứ phương cách làm giàu nào cũng có những điều kiện mà chúng ta cần phải đáp ứng, cũng như có những khó khăn và rủi ro kèm theo. Trong những bài tiếp theo, tôi sẽ trình bày tổng quan về 6 phương cách kiếm tiền gồm có: 1) Làm thuê chuyên nghiệp; 2) Làm nghề tự do, tự làm chủ; 3) Bán hàng hưởng hoa hồng; 4) Khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp; 5) Đầu tư; 6) Các nghề đặc biệt khác.
Hãy là người giàu đúng nghĩa
Giàu giúp chúng ta không khổ, không hèn vì nghèo và làm được nhiều điều chúng ta muốn cho bản thân, cho cho gia đình, cho xã hội và đất nước. Thế nhưng giàu tiền chưa đủ, một người muốn được người khác thật sự tôn trọng, ngoài giàu tiền, còn phải giàu nhân cách, giàu tình cảm, biết chia sẻ và biết sống với người khác một cách “tử tế”. Đó mới thật sự là một người giàu đúng nghĩa.
Theo Infonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét