Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Nếu không tỉnh táo, tiền sẽ thành giấy lộn

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trong dịp kỷ niệm 14 năm hoạt động. Dịp kỷ niệm này còn được chứng kiến sự tăng điểm vũ bão trong tháng 8-2014, một sự tăng trưởng có thể coi là kỳ lạ.  

So với đầu năm VN-Index đã tăng xấp xỉ 25% và là một trong các chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất khu vực và đứng thứ hai thế giới, chỉ sau thị trường chứng khoán Quata, một thị trường mới thành lập.  Như vậy chỉ sau chưa đầy 8 tháng, vốn hóa thị trường, một con số biểu thị tài sản doanh nghiệp đã tăng 25%, mức tăng mà nếu chỉ bằng sản xuất kinh doanh chắc chắn phải hàng chục năm mới có được. Lý giải sự tăng đột biến này, tìm cơ hội cho các nhà đầu tư nhỏ, đòi hỏi phải có cái nhìn tỉnh táo.

Thị trường thần kỳ và nguy cơ tiềm ẩn

Thị trường chứng khoán có diễn biến tích cực trong tuần trước(18-22/8), VN-Index ghi nhận 4/5 phiên tăng với thanh khoản tăng 45% so với tuần trước đó. Có thể nói rằng tuần vừa qua mang tính bước ngoặt của thị trường. Sang đến tuần này, các chỉ số VN-Index tiến sát  kỷ lục lịch sử với xấp xỉ 630 điểm vào ngày 26/8 và HNX-Index đạt xấp xỉ 80 điểm cùng ngày. 


Những nguyên nhân được các nhà phân tích thị trường nói tới,  cơ bản nhất là TTCK đang nằm trong xu hướng tăng dài hạn kể từ thời điểm đầu năm 2013 với những yếu tố hỗ trợ như kinh tế vĩ mô tốt dần qua các quý, lạm phát ổn định, tỷ giá giữ vững, nhập siêu thấp… Một điểm nhấn mới là việc Moody’s nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ B2 lên B1 với triển vọng ổn định giúp nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng và sẵn sàng đổ tiền vào Việt Nam. 

Thứ hai là CPI ổn định ở mức thấp giúp tăng kỳ vọng giảm lãi suất và thực tế cũng đã có nhiều ngân hàng giảm lãi suất. Vấn đề này giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn nhằm đưa hoạt động kinh doanh gia tăng. Đồng thời dòng tiền gửi ngân hàng giảm theo đó khả năng chuyển sang kênh đầu tư chứng khoán tăng. Kết quả kinh doanh tốt hơn, dòng tiền vào thị trường chứng khoán nhiều hơn là nhân tố tạo tiền đề cho sự bứt phá.
 Thứ ba, khối ngoại có chuỗi bán ròng 12 phiên trước khi VN-Index vượt đỉnh nhưng nhà đầu tư nội vẫn mua mạnh trong thời gian này giúp TTCK cân bằng. Trong phiên ngày 21-8, khối ngoại đã mua ròng trở lại kết hợp với lực mua mạnh từ khối nội vẫn duy trì giúp VN-Index vượt đỉnh 610 dễ dàng. Và nguyên nhân cuối cùng, là ở xu hướng kỹ thuật, VN-Index đã tích lũy quanh mốc 610 điểm khá lâu, khi chỉ báo kỹ thuật cho xu hướng bứt phá khỏi ngưỡng này thì nhà đầu tư giải ngân mạnh góp phần đẩy chỉ số tăng mạnh. Chỉ báo kỹ thuật cũng cho thấy xu hướng gia tăng tiếp tục được củng cố. Có nghĩa là lâu không biến động thì chắc chắn sẽ biến động mạnh(!)

Qua những phân tích trên, chúng ta dễ thấy một điều, đó là những nguyên nhân tăng giá đều là những kỳ vọng, nghĩa là chưa có thực mà hy vọng sẽ có thực cùng với sự kích thích của khối các nhà đầu tư ngoại.


Sự chưa có thực này diện mạo ra sao? Ngày 26-8, Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm. Theo báo cáo, trong tháng 8, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước là 5.052 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 27,3 nghìn tỷ đồng, giảm 0,6% về số doanh nghiệp và giảm 13,2% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp là 5,4 tỷ đồng, giảm 13% so với tháng trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8 theo đăng ký là 79,4 nghìn lao động, giảm 9,8% so với tháng trước. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký của cả nước trong tháng 8 là 6.681 doanh nghiệp, tăng 35,5% so với tháng trước, bao gồm: 755 doanh nghiệp giải thể; 1.050 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 4.876 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong 7 tháng đầu năm nay có 14.199 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, khóa mã số thuế tại Cục Thuế thành phố và hơn 4.200 doanh nghiệp tái hoạt động. Trong khi đó, tính đến ngày 20-8 có hơn 15.000 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới. 


Hoạt động của các doanh nghiệp dù đã có sự chuyển biến nhưng vẫn chưa ra khỏi khó khăn. Theo thống kê kết quả kinh doanh quý 2 trên 600 doanh nghiệp niêm yết trên sàn (trừ các ngân hàng, tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán), có trên 500 doanh nghiệp báo lãi. Lợi nhuận phân hóa khá mạnh ở nhóm các doanh nghiệp báo lãi quý 2. Cụ thể, tổng lợi nhuận quý 2 của 500 doanh nghiệp báo lãi đạt trên 15 nghìn tỷ đồng, trong đó Top 10 doanh nghiệp lãi cao nhất đạt 9 nghìn tỷ đồng. Nghĩa là trừ 10 doanh nghiệp khủng với số vốn đăng ký khủng chiếm hầu hết lợi nhuận, 500 doanh nghiệp còn lại chia nhau phần xương xẩu 6.000 tỷ đồng, trung bình mỗi doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10 tỷ đồng, con số quá ít ỏi để có thể làm giảm đáng chú ý số lỗ lũy kế từ 3 năm qua. Thậm chí có doanh nghiệp có vốn đăng ký khổng lồ như VNM, VIC, DPM và REE có lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn nằm trong top 10 doanh nghiệp lãi lớn. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng công bố lỗ lớn: Tập đoàn Hoàng Long: 6 tháng lỗ ròng gần 20 tỷ đồng, Alphanam: 6 tháng lỗ ròng 106 tỷ đồng...


Những mâu thuẫn thị trường

Hiện có hàng loạt các doanh nghiệp lỗ nặng, giảm lãi so với cùng kỳ năm trước, lãi quá ít so với kế hoạch nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng, thậm chí tăng khủng khiếp... Chúng ta đang chứng kiến một thị trường lạ kỳ với giá trị của món hàng không tăng, thậm chí là giảm nhưng giá trị tăng chóng mặt. Không thể nói khác, đó là dấu hiệu của một thị trường đầu cơ và bị khống chế bởi các nhà đầu tư lớn. Vào thời điểm các ngân hàng thừa vốn mà không tăng được tỷ lệ tín dụng, đồng vốn ứ đọng, khả năng giảm lãi suất huy động, lãi suất tiết kiệm đã rõ, làm ảnh hưởng đến những khoản tiền tiết kiệm của mỗi gia đình, nhu cầu tìm khả năng đầu tư cao, việc các chỉ số thị trường của TTCK tăng vọt có tính mời gọi ghê gớm. Đã có tình trạng đồng vốn chảy từ ngân hàng sang TTCK. Trong khi các phiên giao dịch có thanh khoản tăng đột biến, có phiên tới 4.600 tỷ thì đã có hiện tượng vốn huy động của các ngân hàng giảm. Vietcombank trong năm 2014, vốn huy động đã giảm 0,4%, các ngân hàng khác cũng có hiện tượng giảm tương tự. 


Vấn đề là khả năng sinh lợi của đầu tư chứng khoán là không rõ ràng. Sau đỉnh cao bao giờ cũng có một vực thẳm chờ đợi. Khi những kỳ vọng không trở thành hiện thực, TTCK sẽ lập tức điều chỉnh và giá của những cổ phiếu đang ở mức cao sẽ trở về giá thật của nó, như trong quá khứ đã xảy ra, thì những đồng tiền tiết kiệm rút ra từ ngân hàng sẽ trở về... giấy lộn. Sẽ là ảo ảnh tiêu tan.


Vẫn có thể đầu tư chứng khoán

Nhưng những phân tích trên không có nghĩa là các nhà đầu tư nhỏ không có cửa đầu tư chứng khoán. Trong tình thế lãi suất tiết kiệm giảm mạnh như hiện nay, cũng có thể đầu tư chứng khoán ở mức hạn chế. Các nhà đầu tư nhỏ không nên phiêu lưu với những cổ phiếu giá tăng vùn vụt vì tăng mạnh cũng có nghĩa là có thể xuống mạnh mà các nhà đầu tư nhỏ không đủ khả năng ứng phó. Nếu thực hiện mua bán thường xuyên trên thị trường, nhà đầu tư theo cơ bản thì nên mua vào những cổ phiếu có cơ bản tốt, an toàn, quan tâm đến các cổ phiếu có khả năng phát hành thành công cho đối tác nước ngoài hay tăng vốn thành công. Về tính thị trường, có thể quan tâm các ngành như chứng khoán, xây dựng, bất động sản. Về chốt lời, nhà đầu tư nên đợi những phiên thanh khoản đột biến và tăng cao, điều này sẽ giúp có mức lợi nhuận tốt hơn.

Nhưng lời khuyên tốt nhất là nên đầu tư vào những cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn có sự phát triển tốt với thái độ đầu tư dài hạn, hưởng cổ tức và khi cần có thể bán nhanh, thu hồi vốn. Đó là hướng đầu tư trung dài hạn. Nên xem xét các mã cổ phiếu của ngành xuất khẩu, dệt may hay thủy sản do có khả năng hưởng lợi từ Hiệp định TPP; doanh nghiệp có những yếu tố chuyển biến cho thấy tín hiệu thành công trong lộ trình tái cơ cấu và có khả năng hồi phục.

Xin hãy từ chối các cơn sóng của TTCK, nó có thể cuốn các nhà đầu tư xuống vực thẳm.


Theo Anninhthudo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét