Nhưng cô vẫn quyết định từ bỏ để thỏa đam mê làm nông nghiệp sạch. Trong những chuyến từ thiện khi còn làm cho công ty nước ngoài về miền Tây, Hằng nhận thấy môi sinh của người dân bị tác động bởi hóa chất nông nghiệp, cô tự hỏi liệu có thể làm gì để thay đổi thực trạng đó? Lúc này, Hằng lóe lên ý định bỏ việc để thực hiện kế hoạch kinh doanh cho riêng mình, nhưng vẫn băn khoăn: “Bao nhiêu người mơ ước có vị trí đó, sao mình lại nghỉ?". Rồi cô lại tự nhủ đấy là giấc mơ của người khác, không phải của mình nữa, và quyết định từ chức để làm nông nghiệp trong sự ngạc nhiên của đồng nghiệp và bạn bè.
Hằng trích một số tiền làm quỹ dưỡng già cho bố mẹ, để lại 200 triệu làm vốn khởi nghiệp. Với số tiền này, Hằng phải lăn xuống ruộng học làm nông nghiệp. Nhiều người bạn làm kinh doanh bảo chị dại, sao không nhập thịt, sữa về bán kiếm tiền nhanh hơn. "Nhưng quan điểm của tôi lại khác, ai cũng nhập hết thì nông sản Việt Nam chết à?”, Hằng nói.
Sau khi tính toán, Hằng về Mộc Hóa, Long An thuê nhà ở và làm kho xưởng. Cô ký hợp đồng với nông dân để trồng giống lúa Huyết Rồng và áp dụng “canh tác kết hợp lúa vịt” bằng cách thả vịt vào ruộng để kiểm soát cỏ, sâu, rầy; phân vịt bón ruộng theo phương thức sản xuất sạch. Nhưng ngay lập tức cô gặp khó khăn từ kỹ thuật trồng trọt không sử dụng hóa chất, kho vận, xử lý sau thu hoạch, thiếu nhân sự quản lý, ứng vốn cho nông dân, đến mất trắng cả mùa vụ khi thời tiết không thuận lợi...
Không chịu thua, thấy người dân xịt thuốc diệt cỏ để diệt lục bình, Hằng nhờ doanh trại bộ đội gần đó thí điểm làm phân compost từ lục bình. Thấy trấu đổ bỏ khắp nơi, cô tiến hành sản xuất lò khí hóa để tận dụng trấu. Tuy sản phẩm lò trấu nấu không dơ nồi, nhưng lại bất tiện, mỗi 50 phút phải nhồi trấu lại nên không được thị trường chấp nhận.
Sau 2 năm rưỡi miệt mài làm, Hằng phải tạm dừng 6 tháng để tìm nguyên nhân thất bại. Sau đó, cô về Tiền Giang vừa thử nghiệm tiếp một vụ lúa-vịt, vừa làm thương lái gia cầm. Cuối cùng, Hằng nhận ra mình đã đứng sai vị trí trong chuỗi cung ứng. Ban đầu cô chỉ định tập trung vào sản xuất và bán sỉ, nhưng thị trường lúc đó chưa “chín” cho nhóm sản phẩm "thân thiện xã hội và môi trường". Do vậy, cô quyết định thành lập kênh bán hàng online XanhShop để cung ứng các nông sản sạch. Với cách làm này, Hằng tin rằng việc phổ biến khái niệm sản phẩm xanh tới người tiêu dùng sẽ thuận tiện hơn.
Rau củ sạch của XanhShop đắt gấp 1,5 lần so với rau củ trên thị trường, nhưng Hằng vẫn kiên định với con đường mình đã chọn. |
Ban đầu, để xoay vốn, Hằng làm tư vấn giá trị bền vững cho khách hàng nước ngoài qua trang web được xây dựng đầu năm 2009. Đến cuối năm 2012, cô chính thức vận hành chuỗi cung ứng với khách hàng đầu tiên là bạn bè, đồng nghiệp. Sau khi nhận được sự hài lòng, tin tưởng, những khách hàng này đã giúp giới thiệu rộng ra bên ngoài. Ngoài ra, Hằng phát triển fanpage trên mạng xã hội bằng cách cập nhật hình ảnh, chia sẻ những câu chuyện của người nông dân và nguồn gốc sản phẩm sạch để tạo sự tin cậy, hứng thú cho khách hàng.
Nhận thấy các "nhà vườn xanh" tận dụng chất thải nông nghiệp tại chỗ để ủ phân, vừa bổ sung dinh dưỡng cho đất, vừa không gây ô nhiễm, Hằng cũng sáng tạo ra quy trình vòng tròn khép kín “chất thải từ xưởng chế biến, cá ủ phân cho vườn rau” cho trang trại của mình.
Ngoài rau củ quả, Hằng còn cung cấp ngũ cốc, thủy hải sản, gia cầm và các sản phẩm chế biến khác. Sản phẩm của Xanh được dán nhãn theo ba tiêu chuẩn: Nhãn xanh là không sử dụng hóa chất trong suốt quá trình nuôi trồng, chế biến; vàng là còn sử dụng thuốc ở một số công đoạn; trắng là không sử dụng hóa chất trong quá trình chế biến.
Hằng đánh vào phân khúc khách hàng riêng của mình là những người có ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. “Xanh không có ý định phục vụ trực tiếp hết 10 triệu dân TP HCM và 90 triệu dân Việt Nam, mà chỉ muốn tạo một xu hướng sống thuận tự nhiên, tức là mùa nào thức nấy, là giảm thiểu tiến tới không sử dụng hóa chất nông nghiệp, là đa canh, xen canh. Còn độc canh là tự sát. Tôi dấn thân vào nông nghiệp vì muốn đi theo hướng đa canh”, Hằng chia sẻ.
Thời gian từ thu hoạch đến bàn ăn được rút ngắn tới mức tối thiểu nhằm giữ sản phẩm tươi ngon. Hàng được vận chuyển từ các tỉnh lên kho của công ty ở TP HCM và xuất ngay trong ngày. Để đảm bảo tươi ngon, Xanh Shop thường lấy hàng về vào buổi sáng cùng ngày, nhân viên bắt đầu làm việc từ 6h30 sáng.
Giá bán sản phẩm của công ty Hằng luôn cao hơn so với thị trường. Điển hình như rau mồng tơi giá 45.000 đồng/kg, rau muống 55.000 đồng... trong khi đó rau bình thường ở siêu thị có giá 7.000-8000 đồng/kg, túi rau sạch giá 36.000 đồng/kg. Ngoài ra, Hằng còn sáng tạo ra thực đơn giỏ rau xanh (10-15 loại rau) giá 200.000 đồng.
Trong ngành nông sản không hóa chất, thiếu hàng là khó khăn thường gặp phải. Có những đợt hàng xấu gặp sâu bệnh nhiều vì nhà vườn không luân canh, xen canh tốt hay nghịch mùa, Hằng phải bỏ đi hoặc bán loại 2.
“Trong nông nghiệp thuận tự nhiên, khách hàng không phải là Thượng đế. Bởi thuận tự nhiên thường không thuận lòng người. Nên số người kiên nhẫn với việc ‘có gì ăn nấy’ cũng không nhiều. Những ai đi cùng chúng tôi trên con đường này đều là bạn đồng hành vì họ đã hiểu và chấp nhận tất cả những bất tiện trên hành trình ấy", cô giải thích.
Không chỉ bán rau tươi, với nguyên liệu có sẵn như đậu, nếp... Hằng làm phong phú thực đơn với những sản phẩm độc quyền như làm bánh nhân đậu vào dịp Trung thu, làm bánh chưng dịp Tết... Theo Hằng, thương lái Việt Nam cần kết nối lại để chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư vào công đoạn chế biến sau thu hoạch. Nếu thương lái chỉ mua đi bán lại sẽ không thay đổi cục diện ngành nông nghiệp. Ngoài "lái" thì họ phải tính thêm chế biến sản phẩm. Theo Hằng, trồng thanh long cần nghĩ tới bán nước ép, làm mứt. Trồng lúa phải tính đến bán dầu cám, thức ăn kiêng...
Công ty Hằng hiện có 6 nhân viên ở TP HCM, 3 quản lý nằm vùng miền Trung, miền Đông và miền Tây Nam Bộ có nhiệm vụ thu hoạch rau củ quả từ các vườn. Cô cũng tiết lộ đã có nguồn hàng cung ứng từ trang trại trồng thuỷ canh ở Đà Lạt, diện tích từ 1.000 m2 đến 5.000 m2.
Theo Vnexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét